Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Hồ Gươm có 5 cụ rùa?

Giadinh.net - Suốt 2.000 ngày (từ năm 2002 – 2007) “lang thang” quanh Hồ Gươm (Hà Nội) với chiếc máy ảnh trên tay, ông Lưu Đức Ngò (một người bán ảnh dạo) đã chớp được hàng trăm khoảnh khắc đáng nhớ khi cụ rùa thiêng chu du trên mặt hồ. Và không chỉ có những bức ảnh, những bí ẩn đằng sau bức ảnh cũng được ông ghi vào cuốn sổ. Dưới đây là rất nhiều bí mật như thế.

Nhân dịp xem triển lãm ảnh “Nét đẹp Hồ Gươm” diễn ra từ 3-15/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) về cụ rùa của ông Ngò, độc giả đã đề nghị Báo chúng tôi cung cấp thêm thông tin về “lịch trình” và “tính nết” cụ rùa hàng trăm tuổi ấy.

Lâu nay nhiều người cho rằng và “nghe đồn” Hồ Gươm chỉ có một “cụ” Rùa. Ngay PGS. TS Hà Đình Đức - “nhà Rùa học”, chuyên gia số một nghiên cứu về rùa, người có hàng trăm tấm ảnh, hàng giờ quay phim giá trị về “cụ” rùa ở Hồ Gươm cũng khẳng định: ở Hồ Gươm chỉ có 1 “cụ” rùa duy nhất... ”. Song chỉ với vài tấm ảnh, tôi khẳng định Hồ Gươm ít nhất vẫn còn tới 5 “cụ” rùa! Nhìn ảnh, ta thấy rõ như vậy.
“Cụ” ở ảnh 1: Mép trên bên phải có hai múi, sống múi nhô cao hẳn lên như một giống khác hoặc biến dị.
“Cụ” ở ảnh 2: Mép trên bên phải có một múi, sống mũi thấp bằng, nây đều theo hình vòm miệng trên. Đặc biệt, phía trước đầu hơi lệch về bên trái có một cục thịt thừa hoặc một tật thịt nhô lồi hẳn lên.
“Cụ” ở ảnh 3: Mũi nhọn và nhô dài ra phía trước (khác hẳn với 2 “cụ” ở ảnh 1 và 2 là mũi tày, bằng). Nửa dưới miệng “cụ” có vẻ không bình thường, bị sứt, xẻ quá lâu đã thành tật vì một lý do nào đó và từ bao giờ không rõ (?). Vì vậy, ta mới nhìn được vào vòm hàm trên trong miệng “cụ”, trong khi miệng “cụ” hầu như không há ra (nửa dưới của hai “cụ” ở ảnh 1 và 2 là bình thường).

Cả ba “cụ” rùa này vây vờn, rượt đuổi nhau suốt 45 phút sáng 9/10/2002, chỉ quanh quẩn trong khoảng 20m2 ngay trước mặt tôi, xa nhất là 6m. Có lúc, có “cụ” bơi lao thẳng về phía tôi, chỉ còn cách có 2m. Song rất tiếc là đầu của cả ba “cụ” không nổi lên đồng thời cùng một lúc!
“Cụ” ở ảnh 4: Trên đầu có một đốm trắng (khác hẳn với ba “cụ” trên nhìn rất rõ không thấy có đốm trắng nào) nổi từ 15h đến 15h20 ngày 11/3/2003 ở phía trước Khu Tưởng niệm Vua Lê. “cụ” rùa này nổi nhiều lần nên tôi có nhiều ảnh về “cụ”. Không rõ “cụ” này có phải là “cụ” mà PGS Hà Đình Đức khẳng định trên Báo Khoa học và Đời sống số 11 ra ngày 14/2/2003 là: “Một cụ rùa duy nhất có đốm trắng tròn đường kính khoảng 3cm trên đầu hơi lệch về phía trái...” hay không?
“Cụ” ở ảnh 5: Khác hẳn với 4 “cụ” trên là màu vàng, bên mép có nhiều nếp nhăn (và đương nhiên đây không phải là con rùa cạn màu cam dài khoảng 40cm do một cán bộ thuộc UBND tỉnh Nghệ An đem thả nuôi thử ở Hồ Gươm tháng 9/2000 như lời của GS. Vũ Khiêu kể trong bài “Không nên mê tín” đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 15/2/3003). “cụ” này nổi từ 9h30 đến 11h sáng 17/1/2003 ở khoảng giữa Tháp Rùa và phố Hàng Khay.

Tóm lại, đến giờ này theo tôi, Hồ Gươm vẫn còn tồn tại ít nhất là tới 5 “cụ” rùa! Nếu như “cụ” rùa ở ảnh 4 có đốm trắng trên đầu lại không đúng là “cụ” rùa mà PGS Hà Đình Đức đã dày công theo dõi hàng chục năm nay thì Hồ Gươm vẫn còn tồn tại tới 6 “cụ” rùa!

(còn nữa)

Lưu Đức Ngò
nguồn giadinh.net.vn

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Rùa Hồ Hoàn Kiếm

“Bao nhiêu năm Cụ Rùa sống ngoài vòng pháp luật”

Từ trước tới nay Cụ Rùa "ngoài vòng pháp luật", không ai bảo vệ Cụ Rùa, luật pháp không bảo vệ Cụ. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trước kia là Viện trưởng viện sinh thái vẫn hay phát biểu: cả 3 lần xuất bản sách Đỏ đều không có tên rùa hồ Gươm. Bây giờ kẻ nào bê Cụ đi thì không thể xử được bằng cái gì, vì có trong danh sách đâu. Thật là bi kịch!
Những thông tin được cập nhật liên tiếp về tình hình đáng lo ngại về sức khỏe Cụ Rùa. Hiện Cụ ra sao và những người có trách nhiệm đang làm gì? Chúng tôi cùng trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức, người đã theo dõi Cụ Rùa sát sao trong gần 20 năm nay.
"Tôi chịu, không trả lời được..."
Sức khỏe của Cụ Rùa đang là vấn đề nóng nhất hiện nay, là người "trong cuộc", PGS có thể cho biết về tình trạng cũng những quyết định liên quan đến Cụ Rùa?
Thành phố đã quyết định đưa Cụ lên bờ chữa trị. Phải cố gắng hết sức thôi, không thể chần chừ nữa. Trước đây mỗi lần Cụ Rùa nổi lên đều liên quan đến những sự kiện trọng đại của đất nước. Cụ Vũ Khiêu nói rằng: mỗi lần có nguyên thủ các nước đến Cụ Rùa đều xuất hiện; có nước là bạn của ta, có nước không phải là bạn của ta, Cụ Rùa nổi lên là muốn nhắn nhủ chúng ta một điều gì đó. Tôi cũng thống kê, ngay cả Đại hội Đảng 10, khai mạc Cụ lên, bế mạc Cụ lên. Trước đại hội 10, Dạ Cách Lâm sang Cụ lên, Hồ Cẩm Đào sang Cụ lên, năm 2002 Giang Trạch Dân sang Cụ lên.
Nhưng giờ Cụ nổi lên liên tục đúng là chuyện không bình thường chút nào. Tổng cộng cả năm 2010 Cụ nổi 134 lần, riêng tháng 12/2010 là 23 lần; tháng 1/2011 Cụ nổi lên 14 lần. Mỗi lần Cụ nổi lên đều thấy xuất hiện nhiều vết thương.
Vừa qua có ngày Cụ nổi lên đến 5 lần, ví dụ như ngày 20/2 vừa qua.
Cụ rùa vẫn còn khỏe. Ảnh do GS Hà Đình Đức cung cấp
Tình hình như vậy nhưng đến bây giờ công tác cứu Cụ Rùa mới được rục rịch làm, sao mọi việc lại chậm trễ như vậy?
Tôi chịu, không trả lời được câu này. Chính tôi được mời vào Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu Rùa Hồ Gươm, nhưng hỏi rằng trong cái ban này, những ai nắm chủ chốt? Tôi cũng chịu. Chính cái Hội thảo cứu Cụ Rùa tháng 2 vừa rồi cũng đã quá bức xúc rồi. Hội thảo mà ai cũng nói 10 phút, 10 phút, 10 phút, có người 15 phút. Mà xem các báo cáo nào, ông nào đến cũng nói ngang thầy bói xem voi. Có ông còn nói: Có đúng bị thương không, nguyên nhân bị thương là gì ...
Tôi cũng chỉ được trình bày đúng 10 phút, thì tôi rút đồng hồ ra xem là 9h5, tôi trình bày đúng đến 9h15. Rồi đến lúc sau các vị thảo luận xong, tôi có ý kiến: "Xin lỗi các vị, tôi càng nghe càng choáng, cứ y như đau đẻ đợi trăng mọc với lại thầy bói xem voi". Vậy là bày ra cả một cuộc hội thảo mà không đưa ra được một giải pháp nào.
Có ông nuôi cá tầm đến trình bày giới thiệu về cá tầm, nuôi cá tầm, chữa bệnh cá tầm. Ông nuôi ba ba đến trình bày công nghệ nuôi ba ba, rồi bệnh ba ba. Rồi chúng ta nên thế này, chặn  hết nước rồi thế này thế kia. Chẳng phải đã chặn từ năm 1996 rồi đấy à! Rồi thì phải đưa lưới xuống sâu khoảng 2m cho Cụ vào rồi nâng lên. Nước hồ Gươm sâu có khoảng 90cm đến 1m bao nhiêu mà đòi đưa lưới xuống sâu 2m, toàn phát biểu không có thực tế gì cả!
Giải pháp của PGS là gì?
Bây giờ không có ngồi mà bàn, không chần chừ được nữa, phải đưa Cụ lên mà chữa trị. Tôi nghĩ đáng ra các vị phải hỏi tôi vì tôi là người bám sát Cụ Rùa và Hồ Gươm nhiều năm, chứ có ông đưa những ý kiến như làm lưới sâu 2m rồi bơm hơi nọ kia, không thực tế!
Bây giờ có nhiều chỗ Cụ cứ nằm yên thôi,  thì mình cứ quây lưới từ xa, coi như Cụ không ra khỏi vòng lưới. Đến lúc Cụ lên mình có thể rải một số các lưới để tìm cách nâng lên, hoặc dồn theo kiểu dồn cái đăng để thành khu vực hẹp là bắt chứ có gì đâu. Chứ cái kiểu mời cả mấy ông đánh cá xa bờ vào nữa thì hết hơi.
Có nhiều người hiến kế, nhiều ý kiến. Hiến kế là tốt cả, là người ta có cái tâm, nhưng mình cần phải xem thực tế có phù hợp hay không. Tôi cho rằng lần này chúng ta phải làm triệt để ba việc: diệt rùa tai đỏ, vừa chữa bệnh cho Cụ Rùa và làm sạch hồ.
Phải đưa Cụ Rùa lên thật sớm, chứ càng để lâu thì càng nguy hiểm, diễn biến các vết thương ngày một nặng, nhiễm trùng vì nước hồ ô nhiễm đậm đặc.
"Bao nhiêu năm Cụ Rùa sống ngoài vòng pháp luật"?!
Tôi cho nhà báo xem để thấy là từ trước tới nay Cụ Rùa "ngoài vòng pháp luật", không ai bảo vệ Cụ Rùa, luật pháp không bảo vệ Cụ.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trước kia là Viện trưởng viện sinh thái vẫn hay phát biểu: cả 3 lần xuất bản sách Đỏ đều không có tên rùa hồ Gươm. Cũng phải lưu ý rằng, sách Đỏ này, thì chữ đỏ phải viết hoa, chứ nếu không viết hoa, nó chỉ có ý nghĩa là quyển sách màu đỏ. Nó phải được viết hoa như sách Trắng và sách Đen của bộ Ngoại giao.
Sách Đỏ được xuất bản lần đầu năm 1992, có hình con giải được ghi rõ: "Về mùa Đông, con giải ở hồ Gươm Hà Nội đôi khi mò lên Tháp Rùa để phơi nắng. Tuy con giải có lớn song không dữ như ba ba mà chậm chạp, không cắn người như trong truyền thuyết". Vậy là không có từ "rùa hồ Gươm". Năm 1997, lại cũng như vậy, nhưng tên khoa học khác đi. Năm 2007 lại tên là "giải khổng lồ". Vậy mà cứ nói như đinh đóng cây chuối là "đã đưa rùa hồ Gươm vào sách đỏ Việt Nam".
Trong pháp luật thì trong Nghị định 32 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp về những loài động vật quý hiếm cần bảo vệ. Về rùa, danh sách 1 có rùa ba vạch, danh sách 2 có vài loại rùa, nhưng cũng không có rùa hồ Gươm. Nghị định 55 về thủy sản chỉ nói chuyện bảo vệ mấy con rùa biển. Như vậy là rùa hồ Gươm ngoài vòng pháp luật. Nhiều giáo sư tiến sĩ cứ nói rằng rùa hồ Gươm rất được quan tâm, được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Nhưng sự thực là có đâu. Bây giờ kẻ nào bê Cụ đi thì không thể xử được bằng cái gì, vì có trong danh sách đâu. Thật là bi kịch!
"Sao Cụ Rùa lại mắc lưỡi câu chùm đúng vào dịp Đại lễ"
Tháng 9/2010 có người chụp được ảnh Cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm trông rất thảm thương rồi gửi cho tôi. Tôi tức tốc mang ảnh lên báo cáo lãnh đạo thành phố. Họ cứ hỏi "ai chụp?" "tôi không cần biết, đây là cái ảnh Cụ Rùa, tôi chịu trách nhiệm. Việc gì các anh cứ đi hỏi linh tinh". Rồi thì họ nói rằng sắp đến đại lễ 1000 năm Thăng Long, là thời điểm rất nhạy cảm, không nên đưa, thế nọ thế kia. Tôi nói: "Không. Tôi đưa tôi chịu trách nhiệm". Nhất là bên quận, cứ cuống lên.
Sau đó tấm ảnh này được mạng xã hội đưa lên ngày 15/9/2010, thậm chí còn có cả clip thằng bé đang quăng chùm lưỡi câu. Ngày 18/12/2010 người dân chụp được ảnh rùa tai đỏ leo lên lưng Cụ Rùa. Ngày 22/11/2010, phát hiện Cụ đang ngậm mẩu cao su. Đến ngày 20/12 trên người Cụ xuất hiện mấy vết lở loét, sau đó càng ngày càng nhiều hơn. Đến bây giờ thì tôi có thể nói thật sự nghiêm trọng, tình hình sức khỏe Cụ Rùa ở tình trạng báo động.
Vết xước này do rùa tai đỏ hay do lưỡi câu thưa PGS?
Chuyện rùa tai đỏ cũng khiến tôi mệt mỏi lắm. Tôi có thể chứng minh rùa tai đỏ đã xuất hiện ở Hồ Gươm khá lâu rồi, và đã cảnh báo rất nhiều lần. Nhưng mấy ông cứ cho rằng không có chuyện tại rùa tai đỏ có thể xâm hại được Cụ Rùa. Lí lẽ của các ông ấy là chỉ có cá lớn nuốt cá bé, chứ làm gì có chuyện con rùa tai đỏ bé bằng cái nắm tay, mà Cụ Rùa to bằng cái thúng lại có thể sinh chuyện như vậy. Tôi chán ngán: nếu các ông nghĩ như vậy, thì phải giải thích ra sao về chuyện con ốc bươu vàng? Con ốc bươu vàng nó to bằng ngần nào mà các ông đánh nhau vì con ốc bươu vàng, cả nước hoảng lên vì con ốc bươu vàng! Các ông so sánh quá là thô thiển!
Có thể là bình thường thì rùa tai đỏ không gặm Cụ, Cụ nguyên lành thì không sao. Nhưng giờ Cụ bị xây sát có mùi thịt, mùi máu hay gì đó ... có thể trở thành mồi cho rùa tai đỏ là. Thứ hai nữa là dưới lòng hồ rất nhiều chướng ngại vật, Cụ bị va quệt, xây sát rồi nước hồ ô nhiễm khiến Cụ bị nhiễm trùng. Tôi đã nhiều năm nay đề nghị phải làm một cái cống có cửa mở lên đóng xuống ở đoạn Hàng Khay ấy, may chăng lần này mới được thực  hiện chăng.
Nước hồ Gươm đã bị tù đọng hàng trăm năm nay rồi, có chỗ chuyển nào đâu. Ngày trước có cái cống nước vào ở chỗ Nhà hát Múa rối nước, nhưng nước vào đó là nước mưa, nước thải chứ không có gì hay. Tôi thấy rằng mực nước ở hồ Gươm luôn cao hơn ở đoạn phố Hàng Khay, hiện giờ phải cao hơn đến khoảng 50 - 70 cm hay là 1m, nếu cạy chỗ đó lên thì giờ không cần phải tát hồ nữa.
Nói chung rất nhiều chuyện lẽ ra phải giải quyết từ lâu rồi, để đến lúc Cụ Rùa ra như thế nào mới làm chỉ là chữa cháy thôi. Thôi thì đành tự an ủi thà muộn còn hơn không.
Chỉ có Cụ Rùa duy nhất
PGS có cho rằng đây là cơ hội để ta hiểu hơn về Rùa Hồ Gươm, tỉ như có thể có hơn một Cụ Rùa dưới Hồ Gươm; hoặc PGS có tính đến việc lấy mẫu gen để nhân bản giống rùa quý này không?
Tôi khẳng định chỉ có một Cụ Rùa không có hai. Tôi không có tranh luận với ai hết. Suốt 20 năm trời tôi đã theo dõi rồi. Giả sử có 2 Cụ Rùa thì phải có người trông thấy hoặc chụp ảnh, chứ mỗi người nói một cách. Tôi thì khẳng định trong hồ chỉ có 1 Cụ Rùa.
Cũng có những ý kiến về nhân giống hay cho phối giống với rùa Trung Quốc. Một số người cho rằng loài rùa hồ Gươm có 4 cá thể, một là ở hồ Gươm, một là ở Đồng Mô, và 2 cá thể khác ở Trung Quốc. Nhưng rùa Trung Quốc và rùa Đồng Mô hoàn toàn sai khác. Hai loài sai khác thì không bao giờ có thể phối giống được.
Nhân bản vô tính thì càng không nên làm, và làm là vô ích. Vì mấy lí do sau. Thứ nhất là để nhân bản vô tính thì phải chọc vào nhân tế bào, nhân tế bào là thành lũy di truyền, chọc vào đó là con vật sinh ra mất khả năng miễn dịch, rất dễ nhiễm những bệnh mà không lường trước được. Thứ 2 là chưa có nghiên cứu về nhân bản vô tính của rùa, nên giờ này mang Cụ Rùa Hồ Gươm để làm thí nghiệm là không nên. Thứ 3 là rùa con nở ra đường kính chỉ có 5 - 6 cm thì đến bao giờ, mấy trăm năm sau mới thành Cụ Rùa được.
Tóm lại, tôi cho rằng Cụ Rùa là duy nhất. Việc duy nhất chúng ta nên tính đến bây giờ là khẩn trương tìm mọi cách cứu Cụ. Nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Xin cảm ơn PGS!
Những bức ảnh cho thấy tình trạng sức khỏe đáng lo ngại của Cụ Rùa. Ảnh do GS Hà Đình Đức cung cấp.
Cụ Rùa mắc lưỡi câu chùm lần thứ nhất ngày 1/8/2010.
Dính lưỡi câu chùm ngày 15/09/2010. 
Ngậm dây cao su ngày 22/11/2010. 
Cụ Rùa cõng rùa tai đỏ trên lưng ngày 18/12/2010.
Xuất hiện với vết thương ngày 30/12/2010. 
Xuất hiện với vết thương ngày 30/12/2010. 
4/2/2011 (tức mồng 2 Tết Tân Mão). 
4/2/2011 (tức mồng 2 Tết Tân Mão). 

* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu