Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chó đi thi đấu quốc tế

Đưa chó Phú Quốc sang Paris thi đấu
Đối với những người thích nuôi chó nói riêng và yêu động vật nói chung, Cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011 - FCI WORLD DOG SHOW 2011 sẽ là một sự kiện hết sức đặc biệt quan trọng. Cuộc thi được Liên đoàn Các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI - Federation cynologique Internationale) tổ chức tại Paris (Pháp) như một sự kiện tầm cỡ nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức này.
Chó VỆN
Các giống chó đẹp nhất của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới sẽ tề tựu về “kinh đô ánh sáng”để thi tài trong 4 ngày, từ 7 đến 10/7/2011. Theo xác nhận của ông Aymar Dauphin, Trưởng ban Tổ chức, sẽ có 2 con chó Phú Quốc tên Đốm và Vện từ Việt Nam được đặc cách tham dự sự kiện này.
Chó ĐỐM
Hai chú chó này đều theo chủ của chúng sang Pháp dự thi với tư cách thành viên đại diện của Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (Vietnam Kennel Association VKA). Liên tiếp trong 3 năm qua, cả hai "thí sinh" này đều thay nhau giành giải quán quân và á quân trong các cuộc thi chó đẹp do VKA tổ chức. Đặc biệt, chú chó tên Đốm do anh Lê Hồng Hải (quận 7, TP HCM) làm chủ, ngoài thành tích Giải nhất, nhì chó Phú Quốc toàn quốc thì còn giành thêm Giải nhì chó đẹp quốc gia (cho tất cả các giống chó - R.Best in Show) trong VKA Dogshow 2009. Do đó, nó cũng là chú chó Phú Quốc đầu tiên giành danh hiệu Champion (vô địch). Đồng hành sang Paris với Đốm là chú chó tên Vện của anh Lý Nguyên Khôn (quận 5, TP HCM), cũng từng giành các giải nhất, nhì, ba trong các dog show trong nước.
Như vậy, sau đúng 120 năm, loài chó Phú Quốc Việt Nam lại có cơ hội khiến người dân Paris hoa lệ và những nhà nuôi chó giống chuyên nghiệp của thế giới phải trầm trồ. Trong lịch sử, loài chó này đã từng được các nhà động vật học thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ bởi những đặc tính, phẩm chất tự nhiên di truyền tuyệt vời của nó.
Vào năm 1891, ông Fernand Doceul, một quan chức người Pháp làm việc ở các tỉnh Nam Bộ và Campuchia đã mang về Pháp giới thiệu với công chúng Paris 4 con chó Phú Quốc. Đáng tiếc, về đến nơi thì chỉ còn 3 con (2 đực, 1 cái) còn sống. Chúng được tặng cho Vườn Thực vật Paris (Jardin Zoologique d'Acclimitation) như những cá thể đặc biệt quý hiếm. Nhiều nhà động vật học thời đó đã xem xét và tụng ca chúng trong các tạp chí chuyên ngành. Đó là các bài nghiên cứu của Philiperr Fils trên Tạp chí Le Chenil - tháng 7/1891, Emile Oustalet trên Tạp chí La Nature - tháng 11/1891, Fernand Doceul trong "Thư gửi Vườn Thực vật Paris" hay Geoffroy Saint Hilaire trong Tập san chuyên đề của Vườn Thực vật Paris - Revue des sciences naturelles appliques - năm 1892…

Nổi tiếng nhất, vinh dự nhất của loài chó Phú Quốc thuộc về 2 con chó có lông màu lửa mang tên là Mango (Xoài, chó đực) và Banane (Chuối, con cái) thuộc sở hữu của một người Pháp tên là Gaston Helouin sống tại Helfaut, Pas de Calais, miền Bắc nước Pháp. Xoài và Chuối đều sinh ở Phú Quốc năm 1892, được mang về Pháp khi 2 tuổi
. Tháng 4/1894, chúng đã được tuyển chọn để tham gia một dog show tổ chức tại thành phố Lille của nước Pháp. Ngay trong lần "thi đấu quốc tế" đầu tiên, đại diện đến từ Việt Nam xa xôi đã giành ngay vị trí quán quân và á quân. Hơn thế nữa, Xoài và Chuối đã chinh phục hoàn toàn và gây một sự kinh ngạc thú vị đối với Bá tước Henri de Bylandt, giám khảo cuộc thi, được ông này không tiếc lời ca tụng.

Bá tước Henri de Bylandt là quý tộc Hà Lan thuộc một dòng dõi danh tiếng ở nhiều nước châu Âu trong nhiều thế kỷ. Năm 1895, vị bá tước này chuyển sang sinh sống tại Bỉ. Được biết đến như "đỉnh cao tuyệt đối" của phong trào nuôi chó giống châu Âu, ông là tác giả của một số cuốn ngợi ca về loài chó như "Les Races de Chien", "Dog of all Nations: their varieties, characteristics, point..." xuất bản bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Đức. Ông trở thành "yếu nhân" trong hàng chục hiệp hội chó giống của Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan và được mời làm giám khảo thường xuyên trong những dog show, dog club danh tiếng nhất.

Từ sự giới thiệu của "Vua chó" châu Âu, Xoài và Chuối lại được mời dự Triển lãm Hoàn vũ quốc tế (về chó) diễn ra tại Anvers, Vương quốc Bỉ trong hai ngày 15 và 16/7/1894, được ghi tên, lý lịch vào catalogue và lưu trữ đến nay. Những con chó khác tham gia cuộc thi này được định giá từ 50 đến 100 quan Bỉ thời bấy giờ. Trong khi đó, Xoài và Chuối được định giá những 25.000 quan Bỉ, đắt hơn những con chó cùng dự thi khác từ 250 đến 500 lần!

Danh nổi như phao, chó Phú Quốc đã từng xác lập được vị thế ưu việt như một trong những loài chó cực quý hiếm, tinh khôn và nhanh nhẹn nhất trong những giống chó săn toàn cầu, sánh ngang cùng các loài "bửu cẩu" nổi tiếng như Greyhound hay loài Afghanhound.

Hậu duệ của chúng sinh ra trên đất châu Âu cũng được đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Chúng đã được ghi nhận trong cuốn tạp chí "Đời sống động vật và thế giới tự nhiên" (Animal life and world of nature) xuất bản năm 1902, được nhìn nhận như 1 trong 300 loài chó quý nhất. Rembrant Bugatti, người sáng lập ra hãng xe hơi danh tiếng Bugatti, đồng thời cũng là một nhà điêu khắc nổi tiếng đã tạc tượng một con chó Phú Quốc bằng đồng có tên "Chien annamite ou d'Annam". Và đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, được nhiều người ngưỡng mộ!

Để loài chó Phú Quốc tiếp tục có cơ hội xuất hiện và thi đấu tại Paris sau gần 12 thập niên, cần phải ghi nhận những cố gắng, đóng góp của không ít người, cả chủ nhân của hai chú Đốm, Vện lẫn nhiều thành viên khác trong VKA. Trong đó, công đầu thuộc về ông Dư Thanh Khiêm - Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe Saint Pierre ở Brussels - thủ đô Vương quốc Bỉ. Ở châu Âu ông Khiêm là một nhà nuôi chó nổi tiếng và rất có uy tín. Giống chó Afghanhound mà ông nuôi, cung cấp giống đã trở nên quá "lẫy lừng" trên thị trường, giành rất nhiều giải thưởng vang dội trong các dog show tổ chức ở khắp nơi.

Đồng thời là một nhà sưu tầm sách báo, ấn bản cổ, ông Khiêm đã tìm lại được rất nhiều tài liệu quý hiếm về chó Phú Quốc. Từ những năm 80 thế kỷ trước, ông đã dành một phần lớn thời gian, công sức và tiền bạc để đi tìm lại quá khứ hào hùng và vinh quang cho giống chó này. Theo những gợi ý của lãnh đạo Liên đoàn Các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế, ông Khiêm đã có nhận định rõ ràng về con đường đi của chó Phú Quốc: chỉ có một hiệp hội đại diện cho một quốc gia về chó giống và là thành viên của FCI mới đủ điều kiện đề nghị FCI công nhận lại giống chó Phú Quốc.
Ngày 20/7/2007, ông Dư Thanh Khiêm đã về TP HCM tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề là một khẩu hiệu to đùng: "Chó Phú Quốc, niềm tự hào của chúng ta!". Lúc đó, theo điều tra của chính ông, chó Phú Quốc thuần chủng tại Phú Quốc chỉ còn chừng trên dưới 100 con. Đa phần đều là những cá thể xấu vì nhiễm một số bệnh, phổ biến nhất là bệnh u nang biểu bì.

Bỏ nhiều thời gian và tâm huyết, ông Khiêm đã cùng những người yêu thích giống chó Phú Quốc trong nước tiến hành vận động thành lập Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam, với mục tiêu đặt ra là đến năm 2011 sẽ đưa được chó Phú Quốc "tuyệt đẹp" xuất ngoại để tham dự các dog show quốc tế. Hiệp hội chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2009. Từ sự vận động của ông Khiêm, FCI đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến tham quan, hỗ trợ và đánh giá các hoạt động của VKA. Tháng 10/2010, VKA đã được FCI công nhận làm thành viên.

Nhờ sự vận động hành lang và các bằng chứng về lịch sử giống chó Phú Quốc của ông Dư Thanh Khiêm, các chuyên gia quốc tế và Ban tổ chức Cuộc thi Chó đẹp thế giới năm 2011 - FCI WORLD DOG SHOW 2011 đã đánh giá rất cao và đặc cách mời chó Phú Quốc dự thi, dù trước đó giống chó này vẫn chưa được đăng ký chính thức. Đây là sự kiện ngoại lệ đầu tiên trong lịch sử nuôi chó trên thế giới.

Sở dĩ có được ưu đãi đặc biệt này là do chó Phú Quốc có được những phẩm chất vượt trội và quý hiếm, khiến các chuyên gia về chó trên thế giới dễ dàng bị chinh phục và nóng lòng được chào đón, chiêm ngưỡng chúng. Từ gần 120 năm trước, Bá tước Henri de Bylandt, trong những cuốn "ngợi ca về loài chó" của mình, đặc biệt là trong cuốn “Les Races de Chien” đã chỉ ra được 26 điểm đặc biệt của chó Phú Quốc. Xếp nó vào hàng "những loài chó săn thỏ tuyệt vời nhất", "Vua chó" đã phải "ca lên mây" ba đặc điểm tự nhiên ưu việt của loài chó Phú Quốc mà không một giống chó nào sánh kịp. Ăn đứt chó Berger Đức thuần chủng, chó Phú Quốc không hề sợ độ cao. Rất tự nhiên, chúng có thể leo cây, leo qua tường, trèo hàng rào mà không cần kinh qua huấn luyện, thản nhiên đi dạo trên mái nhà y như những con mèo. Trong khi đó, phải tốn rất nhiều công sức thời gian dạy dỗ, loại Berger trứ danh cũng chỉ chinh phục được độ cao không quá…1mét.

Trong tiêu chuẩn chó săn, đặc tính sống thích nghi với tự nhiên hoang dã luôn được đánh giá rất cao. Chó Phú Quốc có thể sống tự lập bằng thức ăn như rắn, chuột... tự săn được mà không cần đến sự nuôi nấng chăm sóc của con người. Là loài chó duy nhất có màng nối giữa các ngón chân như chân vịt, chó Phú Quốc bơi lội rất giỏi và không hề sợ nước. Đáng quý ở chỗ, những đặc tính hoang dã này vẫn tồn tại trong một loài chó thuần chủng, một tiêu chí bắt buộc trong các dog show. Không một loài chó nào khác có thể sánh kịp chó Phú Quốc ở sự hòa trộn độc đáo này.

Đặc tính quý nhất của chó Phú Quốc là sự nhanh nhẹn không thua kém đồng loại khác giống nào nhưng vượt trội ở sự chính xác tuyệt vời. Chúng có thể chạy trong nhà rất nhanh để đuổi bắt chuột mà tuyệt đối không trượt ngã hay va vấp vào bàn ghế, nhờ khả năng… hãm phanh để chuyển hướng một cách nhanh chóng. Khả năng này loài chó săn thỏ đầu bảng mà "Vua chó" Henri de Bylandt đã đề cập, ca tụng như loài Greyhound hay loài Afghanhound, không thể so sánh hay bắt chước kịp.

Theo Giáo sư Dư Thanh Khiêm, đã có những sai lầm, hiểu lầm tai hại, cũng như "một âm mưu quốc tế nhằm đánh tráo nguồn gốc của loài chó ưu việt này". Trong một thời gian dài, chó Phú Quốc từng bị ngộ nhận và miêu tả là có "dáng con sói có lẽ xuất phát từ Đông Dương nhưng rất giống chó Dingo của châu Úc và chó Berger vùng Alsace". Minh họa chó Phú Quốc được vẽ giống hệt chó Berger và dĩ nhiên là không hề có điểm nào giống với chó Phú Quốc. Sai lầm này được thể hiện ngay trong ấn phẩm "Le chien" (con chó) của NXB Larousse gây ra một sự hiểu lầm về hình dáng loài chó Phú Quốc. Mãi đến năm 1970 trong một cuốn khác có tựa "Larousse du chien" chó Phú Quốc vẫn bị cho là có cùng gốc gác với chó hoang Dingo châu Úc, được những tên cướp biển vùng Caribe đưa đến Phú Quốc!

Thậm chí, vào những năm 80 thế kỷ trước, người Thái đã tung ra luận thuyết là chó Phú Quốc có nguồn gốc từ chó Thái Lan! Họ mua chó Phú Quốc với cái giá rẻ bọt bèo (mỗi "cây" thuốc lá Salem đổi ngang một con chó). Sau đó, họ đã cho chúng lai tạp với một số giống chó địa phương khác và nhờ Hiệp hội Chó giống Nhật Bản đăng ký tiêu chuẩn với FCI vào năm 2003 như một loài chó thuần chủng của… Đông Thái Lan!

Việc 2 chú chó Phú Quốc, Đốm và Vện, có mặt trong một sự kiện lớn và chính thức của FCI đã tạo ra một tiếng vang trong cộng đồng nuôi chó giống thế giới. Được mời tham dự với tư cách thành viên của VKA, nghiễm nhiên chó Phú Quốc đã bước đầu được tổ chức cao nhất, uy tín nhất về nghề nuôi chó thế giới thừa nhận gốc gác, đặc tính. Mọi sai lầm cũng như âm mưu đều bị bác bỏ hoàn toàn. Loài chó Phú Quốc hoàn toàn là chó bản địa thuộc về Việt Nam!
Trích nguồn từ
Nguyễn Hồng Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét